Quản Trị Doanh Nghiệp
Ngành, nghề: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mã ngành, nghề: 6340417
Trình độ đào tạo: Cao đẳng
Hình thức đào tạo: Chính quy
Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương
Thời gian khóa học: Tối đa 3 năm
-
Giới thiệu chương trình/mô tả ngành, nghề đào tạo
Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ trình độ cao đẳng được ứng dụng trong phạm vi các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tại các vị trí việc làm gián tiếp như: bán hàng, marketing, hành chính nhân sự, trợ lý giám đốc và quản lý sản xuất như quản đốc, đốc công, tổ trưởng, đội trưởng, nhóm trưởng…, đáp ứng yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Người được đào tạo ngành, nghề Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng hoạch định, tổ chức, điều hành, kiểm soát và quản lý các hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ; kiểm soát tình hình tài chính của doanh nghiệp, dự toán kinh phí thực hiện và thẩm định các dự án đầu tư trong xu thế hội nhập kinh tế. Đồng thời, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sức khỏe và hoàn thiện các kỹ năng mềm nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên các trình độ cao hơn.
Ngành Quản trị Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tập trung vào việc trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý và điều hành các hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Chương trình đào tạo bao gồm các môn học về quản trị doanh nghiệp, marketing, tài chính, nhân sự và pháp luật kinh tế, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
-
Mục tiêu đào tạo
2.1. Mục tiêu chung
Đào tạo nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành Kế toán Doanh nghiệp, với khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường kinh doanh hiện đại. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường cạnh tranh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành và của nền kinh tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Kiến thức
– Trình bày được kiến thức về doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, pháp luật, kinh tế – xã hội trong việc thực hiện nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ;
– Trình bày được kiến thức tin học, ngoại ngữ trong công tác quản trị;
– Xác định được cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với loại hình doanh nghiệp;
– Trình bày được các chính sách phát triển kinh tế – xã hội và các chế độ liên quan đến công tác quản trị doanh nghiệp;
– Xác định được các phương pháp quản trị phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp;
– Phân tích được hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
– Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.
2.2.2. Kỹ năng
– Dự báo và tìm kiếm được cơ hội kinh doanh;
– Xây dựng được quy trình sản xuất sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp;
– Xây dựng được hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật;
– Thiết lập được hệ thống tiêu thụ sản phẩm hiệu quả;
– Lập được kế hoạch về sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp;
– Lập được báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
– Cung cấp đầy đủ các thông tin kinh tế về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị để phục vụ cho yêu cầu lãnh đạo và quản lý kinh tế ở đơn vị và các cơ quan quản lý có liên quan;
– Phân tích được các quy luật kinh tế, các biến số môi trường kinh doanh tác động đến hoạt động của doanh nghiệp;
– Tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp những ý kiến cải tiến công tác quản trị doanh nghiệp phù hợp với từng thời kỳ kinh doanh;
– Thiết lập, xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các đối tác;
– Hoạch định được chiến lược, kế hoạch kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp mới quy mô vừa và nhỏ;
– Sử dụng được các kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng thuyết trình… trong hoạt động quản trị doanh nghiệp cũng như các công việc khác;
– Thích ứng được với sự thay đổi trong thời kỳ công nghệ 4.0;
– Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;
– Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.
2.2.3. Mức độ tự chủ và trách nhiệm
– Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm; chủ động, sáng tạo trong công việc, khả năng giải quyết công việc vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi; giao tiếp tốt với đồng nghiệp, với khách hàng;
– Tổ chức, đánh giá, phân tích các hoạt động nhóm;
– Có ý thức học tập, rèn luyện và nâng cao trình độ chuyên môn;
– Có khả năng định hướng, thích nghi với môi trường làm việc; có năng lực lập kế hoạch và điều phối công việc khoa học và hợp lý; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp; tự học tập tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ;
– Có ý thức trách nhiệm đối với khách hàng, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đối với tổ chức. Có tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, đạo đức nghề nghiệp. Có lòng say mê nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong chuyên nghiệp. Có sức khỏe và ý chí phấn đấu trong công việc để có thu nhập cao cho cá nhân, có lợi cho tổ chức và xây dựng đất nước.
– Có ý thức kỷ luật và tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc;
– Có lòng yêu nghề, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp để thực hiện tốt các nhiệm vụ của nghề quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ;
– Khả năng tự tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn sau khi tốt nghiệp.
-
Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:
– Bán hàng;
– Marketing;
– Quản lý khách hàng;
– Hành chính nhân sự;
– Quản lý cung ứng;
– Tài chính;
– Trợ lý giám đốc;
– Quản lý sản xuất.
– Sinh viên tốt nghiệp sẽ có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành, nghề hoặc trong nhóm ngành, nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.
-
Khối lượng kiến thức và thời gian học tập
– Khối lượng kiến thức toàn khóa học: 2243 giờ/100 tín chỉ
– Số lượng môn học, mô đun: 31
– Khối lượng học tập các môn học chung: 695 giờ/31 tín chỉ
– Khối lượng học tập các môn học, mô đun chuyên môn: 1548/69 tín chỉ
– Khối lượng lý thuyết: 802 giờ; Thực hành, thực tập, kiểm tra: 1441 giờ
TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 202 Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 0922 333 885
Email: Vp@hateco.edu.vn
Fanpage: fb/kinhtecongnghehanoi
Tiktok: cdkinhtecongnghehateco
Trực 7h30 – 17h30 từ thứ 2 đến thứ 7
Hỗ trợ ngoài giờ hành chính và chủ nhật.